Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Khái niệm - Phân loại - Mô hình của Chi phí chất lượng

1. CHI PHÍ CHẤT LƯỢNG LÀ GÌ ?

Khái niệm chi phí chất lượng được đề cập lần đầu tiên trong cuốn Quality Cost Handbook của Juran (1951). Đến nay, chi phí chất lượng đã là một thành tố của chiến lược cải tiến chất lượng trong các doanh nghiệp tiên tiến. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm này vẫn còn rất mới mẻ và ít được sử dụng. Hãy cùng OPAcontrol tìm hiểu về vấn đề này nhé.

                                                        


2. Khái niệm và phân loại

Chi phí chất lượng là khoản chi phí đầu tư chất lượng nhằm làm cho sản phẩm phù hợp với mục đích và yêu cầu của khách hàng trong phạm vi nguồn lực của doanh nghiệp. Chi phí chất lượng giúp nhà quản lý nhận biết các cơ hội cải tiến chất lượng, thực hiện các hoạt động khắc phục, và đo lường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí chất lượng được chia thành bốn nhóm sau:

Chi phí hư hỏng bên trong: Đây là các khoản chi phí liên quan đến các khuyết tật của sản phẩm được phát hiện trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Chi phí hư hỏng bên trong bằng 0 nếu mọi sản phẩm không bị khuyết tật nào trước khi giao hàng. Chi phí này bao gồm:

(a) Chi phí về phế phẩm: chi phí lao động, nguyên liệu, và chi phí sản xuất chung đã được cấu thành trong phế phẩm và không có khả năng thu hồi.

(b) Chi phi về sản phẩm làm lại: chi phí phục hồi các sản phẩm sai hỏng để biến chúng thành chính phẩm.

(c) Chi phí về phân tích sai hỏng: các chi phí xác định nguyên nhân gây ra phế phẩm...

Chi phí hư hỏng bên ngoài: Đây là các chi phí liên quan đến các khuyết tật được phát hiện sau khi sản phẩm được đưa đến tay người sử dụng. Chi phí này bằng 0 nếu không có khuyết tật. Nó bao gồm:

(a) Chi phí bảo hành: các khoản chi phí liên quan đến việc thay thế và sửa chữa các sản phẩm còn trong thời gian bảo hành.

(b) Các chi phí về giải quyết thắc mắc, khiếu nại: chi phí liên quan đến việc thanh tra, giải quyết các thắc mắc khiếu nại từ phía khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ lắp đặt.

Chi phí thẩm định: Đây là các khoản chi phí phát sinh do tiến hành đánh giá mức độ thực hiện theo các yêu cầu về chất lượng. Bao gồm:

(a) Chi phí kiểm tra và thử nghiệm đầu vào: chi phí đánh giá chất lượng sản phẩm mua, chi phí thử nghiệm, xét nghiệm.

(b) Chi phí kiểm tra và thử nghiệm trong quá trình: chi phí đánh giá mức độ thực hiện theo các yêu cầu về chất lượng trong quá trình sản xuất.   

(c) Chi phí kiểm tra và thử nghiệm cuối cùng: chi phí đánh giá chất lượng sản phẩm cuối cùng trước khi giao.

(d) Chi phí đánh giá chất lượng sản phẩm: chi phí phát sinh do thực hiện đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất hay sản phẩm cuối cùng.

Chi phí phòng ngừa: Đây là các chi phí phát sinh do thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu chi phí hư hỏng và thẩm định xuống mức thấp nhất. Bao gồm:

(a) Chi phí hoạch định chất lượng: chi phí cho các hoạt động thiết lập một kế hoạch chất lượng tổng thể; thực hiện công tác chuẩn bị các thủ tục cần thiết nhằm phổ biến các kế hoạch này cho các thành viên tham gia.

(b) Chi phí kiểm soát quá trình: chi phí thực hiện kiểm tra và thử nghiệm trong quá trình sản xuất.

(c) Đánh giá chất lượng: chi phí đánh giá hoạt động thực hiện kế hoạch chất lượng tổng thể.

(d) Huấn luyện: chi phí chuẩn bị và tiến hành các chương trình huấn luyện liên quan đến chất lượng.

Juran (1988) đề xuất, mức chất lượng tối ưu có thể tìm được khi các thiệt hại do lỗi gây ra bằng với các chi phí để kiểm soát chất lượng. Sau đó, Masser (1957) và Feigenbaumn (1961) đã chia nhỏ chi phí chất lượng thành: Chi phí phòng ngừa, chi phí thẩm định và chi phí lỗi.

3. Mô hình chi phí chất lượng cổ điển

Chi phí chất lượng là những chi phí gắn liền với việc đảm bảo rằng, các sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định. Các chi phí liên quan đến chất lượng được chia thành 2 nhóm: Chi phí cho sự phù hợp và chi phí cho sự không phù hợp.

- Chi phí cho sự phù hợp: Bao gồm những chi phí phải chịu để đảm bảo rằng, các sản phẩm được chế tạo hoặc các dịch vụ được cung ứng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật. Chi phí cho sự phù hợp bao gồm chi phí phòng ngừa và chi phí thẩm định.

- Chi phí phòng ngừa: Gắn liền với các hoạt động được thiết kế để phòng ngừa lỗi xảy ra, bao gồm chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến các hoạt động như: huấn luyện và đào tạo về chất lượng, nghiên cứu thử nghiệm, xem xét lại sản phẩm mới, triển khai các hoạt động vòng tròn chất lượng, thẩm định chất lượng, điều tra năng lực nhà cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật của bên bán máy móc thiết bị, phân tích năng lực quá trình. Những chi phí này được sử dụng để xây dựng nhận thức về các chương trình chất lượng và giúp giữ cho chi phí thẩm định và chi phí lỗi ở mức tối thiểu.

- Chi phí thẩm định: Gắn liền với việc đánh giá các sản phẩm đã hoàn thành và thẩm tra sự phù hợp đối với các tiêu chí và quy trình của tất cả các chức năng, bao gồm chi phí kiểm tra, thử và kiểm tra lại các hoạt động mua sắm sản xuất hoặc tác nghiệp, và sản phẩm và dịch vụ hoàn thiện.

- Chi phí cho sự không phù hợp: Là các chi phí gắn liền với các sản phẩm hoặc dịch vụ không phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Những chi phí này còn được gọi là chi phí lỗi và được chia thành chi phí lỗi nội bộ và chi phí lỗi bên ngoài.

- Chi phí lỗi nội bộ: Phế phẩm, hư hỏng, làm lại và chi phí chung liên quan đến các hoạt động như phân tích lỗi, làm lại và phế phẩm đối với nhà cung cấp, thẩm định lại, thử lại, dừng máy do lỗi chất lượng, và sản phẩm xuống cấp.

- Chi phí lỗi bên ngoài: Bao gồm chi phí bảo hành, điều tra phàn nàn của khách hàng, hàng hóa trả lại, thu hồi sản phẩm, chiết khấu, và các nghĩa vụ khác liên quan đến sản phẩm. Các chi phí lỗi bên ngoài cũng bao gồm, các chi phí trực tiếp và gián tiếp như: chi phí nhân công và đi lại liên quan đến việc điều tra phàn nàn của khách hàng, thẩm định khi bảo hành, thử và sửa chữa.

                    

 

Tổng hòa tất cả các chi phí nói trên sẽ cho thấy, sự khác biệt giữa chi phí thực tế của một hàng hoá hoặc dịch vụ và những chi phí có thể giảm được, do chất lượng dịch vụ không đúng chuẩn, hàng hóa bị lỗi và hư hỏng trong quá trình sản xuất. Ngay cả các DN dịch vụ cũng phải chịu chi phí chất lượng.

Đối với hầu hết các tổ chức, chi phí chất lượng là chi phí ẩn. Chỉ có một số ít DN có hệ thống kế toán phù hợp có thể xác định được chi phí chất lượng, khi họ thực sự mong muốn biết và đánh giá chi phí chất lượng. Do vậy, chi phí chất lượng không được xác định có xu hướng gia tăng. Chất lượng kém ảnh hưởng đến các công ty theo 2 cách: Giá thành cao và sự hài lòng của khách hàng thấp.

Sự hài lòng của khách hàng thấp sẽ tạo ra áp lực giảm giá và giảm sản lượng tiêu thụ, dẫn đến doanh số và lợi nhuận thấp. Hệ quả kết hợp của cả giá thành cao và doanh thu thấp sẽ tạo ra khủng hoảng có thể đe doạ sự tồn tại của DN. Đo lường chi phí chất lượng một cách nghiêm túc là một công cụ giúp phòng ngừa khủng hoảng.

Bài viết trên đã cung cấp thông tin về chi phí chất lượng là gì và những điều liên quan.

Để được tư vấn và kiểm tra chất lượng một cách tốt nhất hãy liên hệ với chúng tôi  công ty TNHH Chứng Nhận Và Kiểm Định Chất Lượng Opacontrol.

Hotline: 1800.646480

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sửa điện nước hn tamphatan

https://tamphatanhn.blogspot.com/2024/01/sua-ien-nuoc-tamphatan.html  Dịch vụ  sửa chữa điện nước tại Hà Nội  của chúng tôi mang đến giải ph...